Chi tiết bài viết

Du lịch và Giao thông vận tải liên quan tới dịch bệnh do vi-rút Ebola (EVD)

Đăng lúc: 25-08-2014 02:01:28 PM - Đã xem: 3405

Gần đây, một số hãng hàng không và các trang mạng xã hội cùng các phương tiện báo chí truyền thống đã bày tỏ lo ngại rằng việc di chuyển bằng đường hàng không đến và đi từ các nước có dịch là một hoạt động có nguy cơ cao cho sự lây lan của Ebola. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xin đính chính lại sự hiểu lầm này.

Để hỗ trợ những nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này và đưa ra sự ứng phó phối hợp cấp quốc tế đối với ngành du lịch và lữ hành, các nhà lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hội đồng Cảng Hàng không Quốc tế (ACI), Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã quyết định kích hoạt một Lực lượng Đặc nhiệm về Lữ hành và Giao thông vận tải nhằm giám sát tình hình và cung cấp thông tin kịp thời đến ngành du lịch và lữ hành cũng như khách du lịch.

Nguy cơ lây truyền bệnh do vi-rút Ebola trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không là thấp. Không giống như các bệnh truyền nhiễm khác như cúm hoặc bệnh lao, Ebola không lây lan qua đường không khí, hô hấp (và các phân tử có trong không khí) từ một người bị nhiễm bệnh. Việc lây truyền đòi hỏi phải có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể hoặc chất dịch cơ thể khác của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh còn sống hoặc đã chết, tất cả những phơi nhiễm này khó có thể xảy ra đối với một khách du lịch thông thường. Trong bất cứ trường hợp nào, du khách được khuyên là nên tránh tất cả các tiếp xúc như vậy và thường xuyên thực hiện việc vệ sinh cẩn thận, như rửa tay.

Nguy cơ bị lây nhiễm trên máy bay cũng thấp bởi thông thường người bệnh cảm thấy không khỏe nên họ không thể di chuyển được, trong khi việc lây nhiễm đòi hỏi phải có tiếp xúc trực tiếp với các chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh. Hầu hết những lây nhiễm ở Liberia, Guinea và Sierra Leone đang diễn ra trong cộng đồng khi các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè chăm sóc người bị bệnh hoặc khi chuẩn bị tang lễ và các nghi lễ chôn cất không tuân theo những biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn chặt chẽ.

Một nơi quan trọng thứ hai có thể xảy ra sự lây truyền là các phòng khám và cơ sở chăm sóc y tế khác, khi các nhân viên chăm sóc y tế, bệnh nhân và những người khác có tiếp xúc với một người nhiễm bệnh mà không được bảo vệ. Tại Nigeria, các ca bệnh chỉ liên quan đến những người có tiếp xúc trực tiếp với duy nhất một khách du lịch nhập viện ngay khi tới Lagos.

Điều quan trọng cần lưu ý là một người bị nhiễm bệnh chỉ có thể truyền vi-rút cho những người khác sau khi bản thân người đó bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Một người bị nhiễm bệnh thường không có triệu chứng trong khoảng từ 2 đến 21 ngày (“thời kỳ ủ bệnh”). Các triệu chứng bao gồm sốt, yếu, đau cơ, đau đầu và đau họng. Những biểu hiện tiếp theo là nôn, tiêu chảy, phát ban, và xuất huyết trong một số trường hợp.

Nguy cơ một khách du lịch nhiễm vi-rút Ebola trong một chuyến đi đến các nước đang có dịch và phát bệnh sau khi trở về là rất thấp, ngay cả khi người đó đi đến những vùng có các ca bệnh được báo cáo.

Nếu một người, kể cả là một khách du lịch, lưu lại tại những vùng có các ca bệnh Ebola mới được báo cáo, người đó cần được chú ý chăm sóc về y tế ngay khi bắt đầu có dấu hiệu bị ốm (sốt, đau đầu, đau nhức cơ, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau bụng, phát ban, mắt đỏ, và xuất huyết trong một số trường hợp). Việc điều trị sớm có thể cải thiện tình trạng tiên lượng bệnh.

Tăng cường hợp tác quốc tế là điều cần thiết nhằm hỗ trợ việc ngăn chặn vi-rút Ebola lây lan sang các nước khác và giảm nhẹ ảnh hưởng tại các nước đang có dịch.

Các quốc gia đang có dịch được yêu cầu tiến hành sàng lọc tất cả những người xuất cảnh tại các sân bay quốc tế, cảng biển và giao cắt đất liền trọng yếu, để phát hiện những ca sốt không rõ nguyên nhân có khả năng nhiễm Ebola. Không nên cho phép bất kỳ người nào bị bệnh nghi giống với EVD đi lại, trừ khi đi lại là một phần của việc sơ tán y tế thích hợp. Các trường hợp mắc Ebola hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân mắc Ebola không được đi lại từ nước này sang nước kia, trừ khi đi lại là một phần của việc sơ tán y tế thích hợp.

Các quốc gia không bị ảnh hưởng cần tăng cường năng lực để phát hiện và ngay lập tức khoanh vùng các trường hợp mắc mới, đồng thời tránh các biện pháp tạo ra sự ảnh hưởng không cần thiết tới việc đi lại và thương mại quốc tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo bất kỳ lệnh cấm đi lại và thương mại quốc tế nào, theo như khuyến cáo của Ủy ban Khẩn cấp của WHO về Ebola.

Hiện tại WHO không khuyến cáo hạn chế đi lại và sàng lọc tích cực hành khách khi đến cảng biển, sân bay, giao cắt đất liền tại các quốc gia không bị ảnh hưởng và không có chung đường biên giới với các quốc gia bị ảnh hưởng.

Trên toàn thế giới, các quốc gia cần cung cấp cho công dân của mình các thông tin phù hợp và chính xác về dịch Ebola và các biện pháp để giảm nguy cơ phơi nhiễm khi đi tới các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola.